Pháp luật Nhật Bản quy định các công ty phải tổ chức khám sức khỏe định kỳ để người lao động có thể an tâm làm việc. Ngoài ra, nhiều hoạt động khác nhau sẽ được công ty thực hiện nhằm cải thiện môi trường và điều kiện làm việc cho nhân viên. Chương 4 này sẽ hướng dẫn về những việc bạn cần làm để phòng ngừa bệnh tật hoặc thương tật khi làm việc tại công ty, những điều bạn cần làm khi bị bệnh tật hoặc thương tật liên quan đến công việc, chính sách bảo hiểm tai nạn lao động, v.v. Ngoài ra, phần này còn cung cấp thông tin về hành vi “lạm dụng quyền lực”, “quấy rối tình dục” bị nghiêm cấm tại công ty và thông tin của các kênh tư vấn mà bạn có thể liên hệ khi gặp phải vấn đề liên quan.

4. 1. Tôi nghe nói ở Nhật Bản có hoạt động khám sức khỏe. Mục đích của hoạt động này là gì và tôi phải làm gì khi đi khám sức khỏe?

• Đây là hoạt động được thực hiện với mục đích giúp bạn duy trì sức khỏe tốt để tiếp tục làm việc tại công ty. Khi khám sức khỏe, bạn sẽ được lấy máu để kiểm tra xem bạn có mắc chứng bệnh nào mà bản thân còn chưa nhận biết được hay không. Nếu phát hiện bệnh sớm và điều trị kịp thời, bạn vẫn có thể làm việc bình thường tại Nhật Bản cho đến khi kết thúc hợp đồng. Hoạt động khám sức khỏe đã được quy định bởi pháp luật, do đó bạn bắt buộc phải tham gia.
• Nếu không muốn tham gia khám sức khỏe, trước tiên hãy liên hệ với công ty của bạn. Nếu sau khi hỏi công ty mà bạn vẫn chưa rõ về vấn đề này, hãy xin ý kiến tư vấn bằng tiếng Việt từ Nghiệp đoàn Quản lý, hoặc ý kiến tư vấn bằng ngôn ngữ bản địa từ các kênh tư vấn của Tổ chức đào tạo thực tập sinh kỹ năng người nước ngoài (Organization for Technical Intern Training – OTIT) trong [Danh sách kênh tư vấn].

Tư vấn bằng tiếng Việt

*Tổ chức đào tạo thực tập sinh kỹ năng người nước ngoài (OTIT)
Trung tâm tư vấn bằng ngôn ngữ bản địa (Trang tiếng Việt). Tư vấn các vấn đề mà thực tập kỹ năng có thể gặp phải trong quá trình sinh sống tại Nhật.

4. 2. Mỗi năm tôi được khám sức khỏe mấy lần? Chi phí khám sức khỏe là bao nhiêu?

• Mỗi năm, bạn được khám sức khỏe một lần. Tuy nhiên, với những người có tiếp xúc với các vật chất dễ gây bệnh trong quá trình làm việc hoặc thường làm ca đêm thì có thể được khám sức khỏe 6 tháng 1 lần.
• Tại Nhật Bản, bạn sẽ được khám sức khỏe miễn phí.

4. 3. Khi khám sức khỏe, tôi có thể thực hiện thêm các hạng mục xét nghiệm khác không?

• Các hạng mục kiểm tra khi khám sức khỏe được quy định bởi pháp luật, vì vậy bạn không thể tự kiểm tra thêm các hạng mục khác.
• Nếu là nữ trên 20 tuổi, bạn có thể thực hiện xét nghiệm tầm soát Ung thư cổ tử cung 2 năm 1 lần tại thành phố nơi bạn sinh sống chứ không phải tại công ty. Chi phí tầm soát ung thư cổ tử cung là miễn phí hoặc chỉ mất phí khoảng 500 yên. Để biết thêm thông tin chi tiết về tầm soát ung thư cổ tử cung, hãy đọc phần “Thông tin bổ sung” ở Mục 3, trang 10 – Sức khỏe giới tính và sức khỏe sinh sản.

4. 4. Nếu mắc bệnh hoặc bị thương trong quá trình làm việc thì tôi nên làm gì? Tôi có thể nghỉ làm không?

• Trước tiên, bạn hãy trao đổi với công ty về vấn đề này. Tại Nhật Bản, các công ty đều tham gia “Bảo hiểm bồi thường tai nạn cho người lao động” để phòng trường hợp nhân viên mắc bệnh hoặc bị thương vì nguyên nhân có liên quan đến công việc. Với chế độ bảo hiểm này, bạn không cần lo lắng về chi phí điều trị tại bệnh viện vì bảo hiểm sẽ thanh toán chi phí này. Ngoài ra, bạn cũng có thể nghỉ làm trong trường hợp này. Kể cả khi bạn không có khả năng lao động do bệnh nặng hoặc bị thương nặng, bạn cũng không bị buộc thôi việc ngay lập tức.
• Khi mắc bệnh, bị thương vì lý do không liên quan đến công việc, bạn vẫn có quyền được nghỉ làm. Số ngày được nghỉ sẽ khác nhau tùy vào mỗi công ty, vì vậy hãy liên hệ với công ty của bạn để biết thêm chi tiết. Trong những ngày nghỉ làm, bạn sẽ không bị buộc phải thôi việc.
• Nếu công ty đăng ký cho bạn tham gia “Bảo hiểm y tế”, bạn sẽ được hỗ trợ chi phí điều trị và nhận một phần lương trong khoảng thời gian không thể làm việc trong vòng một năm rưỡi. Hãy xác nhận lại với chủ sở hữu lao động xem mình có được tham gia bảo hiểm bồi thường tai nạn cho người lao động, bảo hiểm y tế hay không. Nếu sau khi hỏi công ty bạn vẫn chưa hiểu rõ về vấn đề này, hãy xin ý kiến tư vấn bằng tiếng Việt từ Nghiệp đoàn Quản lý, hoặc ý kiến tư vấn bằng ngôn ngữ bản địa từ các kênh tư vấn của Tổ chức đào tạo thực tập sinh kỹ năng người nước ngoài (OTIT) trong [Danh sách kênh tư vấn].

4. 5. Tôi bị thương do tai nạn giao thông. Tôi nên làm gì?

• Nếu bạn gặp tai nạn giao thông trong khi đang làm việc hoặc trên đường đi làm, bạn có thể sử dụng “Bảo hiểm bồi thường tai nạn cho người lao động” đã được đề cập ở câu hỏi 4.4. Vì vậy, trong trường hợp này, hãy liên lạc với công ty ngay lập tức.
• Nếu bạn gặp tai nạn giao thông tại nơi không liên quan đến công việc, người gây thương tích cho bạn sẽ chi trả chi phí điều trị vết thương. Trong trường hợp này, hãy yêu cầu họ cung cấp thông tin liên lạc cho bạn.
• Sau đó, hãy liên hệ với cảnh sát (số điện thoại: 110).

4. 6. Điều gì sẽ xảy ra nếu tôi bị tử vong, hoặc mất ý thức hoặc tàn tật suốt đời tại Nhật Bản?

• Nếu mắc bệnh hoặc bị thương vì lý do có liên quan đến công việc thì bạn sẽ được “Bảo hiểm bồi thường tai nạn cho người lao động” hỗ trợ chi phí điều trị như đã đề cập ở câu hỏi 4.4. Ngoài ra, nếu bị tàn tật thì bạn sẽ được nhận một khoản tiền bồi thường, còn nếu bị tử vong thì khoản tiền bồi thường sẽ được gửi cho người thân của bạn.
• Tùy thuộc vào loại bảo hiểm mà công ty, Nghiệp đoàn Quản lý của bạn chọn tham gia mà số tiền bảo hiểm bạn có thể được nhận, hoặc số tiền bồi thường gửi cho người thân của bạn nếu bạn bị tử vong sẽ khác nhau. Vì vậy, hãy xác nhận lại với Công ty, Nghiệp đoàn Quản lý về vấn đề này.
• Nếu sau khi hỏi công ty bạn vẫn chưa rõ về vấn đề này, hãy xin ý kiến tư vấn bằng tiếng Việt từ Nghiệp đoàn Quản lý, hoặc ý kiến tư vấn bằng ngôn ngữ bản địa từ các kênh tư vấn của Tổ chức đào tạo thực tập sinh kỹ năng người nước ngoài (OTIT) trong [Danh sách kênh tư vấn].

4. 7. Tôi cảm thấy lo lắng vì đột nhiên được giao một công việc mà tôi chưa quen làm khiến tôi có thể rơi vào tình huống nguy hiểm.

• Luật pháp quy định người lao động sẽ được đào tạo trước khi thực hiện các công việc có tính chất gây nguy hiểm, chẳng hạn như công việc hàn, lái xe nâng, vận hành cần trục, v.v. Vì vậy, hãy yêu cầu công ty đào tạo cho bạn trước khi bắt đầu làm việc chính thức. Khi cảm thấy sợ hãi về công việc mới, đừng ngại trao đổi với cấp trên của bạn.
• Nếu sau khi hỏi công ty bạn vẫn chưa hiểu rõ về vấn đề này, hãy xin ý kiến tư vấn bằng tiếng Việt từ Nghiệp đoàn Quản lý, hoặc ý kiến tư vấn bằng ngôn ngữ bản địa từ các kênh tư vấn của Tổ chức đào tạo thực tập sinh kỹ năng người nước ngoài (OTIT) trong [Danh sách kênh tư vấn].

4. 8. Môi trường làm việc của tôi không tốt (có mùi, tối tăm, chật hẹp, ồn ào, quá nóng, quá lạnh, tư thế gò bó, không an toàn). Tôi nên làm gì?

• Hãy trao đổi với cấp trên, “người phụ trách an toàn vệ sinh lao động” hoặc “người xúc tiến an toàn vệ sinh lao động” tại công ty. “Người phụ trách an toàn vệ sinh lao động” hoặc “người xúc tiến an toàn vệ sinh lao động” là người có trách nhiệm cải thiện môi trường làm việc tại công ty.
• Khi đã trao đổi với người chịu trách nhiệm về vấn đề này nhưng môi trường làm việc của bạn vẫn không được cải thiện, hoặc sau khi hỏi công ty bạn vẫn chưa hiểu rõ về vấn đề này, hãy xin ý kiến tư vấn bằng tiếng Việt từ Nghiệp đoàn Quản lý, hoặc ý kiến tư vấn bằng ngôn ngữ bản địa từ các kênh tư vấn của Tổ chức đào tạo thực tập sinh kỹ năng người nước ngoài (OTIT) trong [Danh sách kênh tư vấn]. Ngoài ra, hãy nhờ người biết tiếng Nhật mà bạn có thể tin tưởng trao đổi trực tiếp với “Văn phòng giám sát tiêu chuẩn lao động”.
• Văn phòng giám sát tiêu chuẩn lao động: Là văn phòng chính phủ có nhiệm vụ giám sát việc tuân thủ quy định của pháp luật của các doanh nghiệp nhằm đảm bảo người lao động có thể an tâm làm việc với một thể trạng và tinh thần khỏe mạnh. Bạn có thể tìm kiếm địa chỉ của Văn phòng giám sát tiêu chuẩn lao động tại khu vực bạn sinh sống thông qua mã QR dưới đây. Hãy trao đổi với người biết tiếng Nhật hoặc người Nhật xung quanh bạn để được hỗ trợ tìm kiếm Văn phòng này.

4. 9. Tôi rất sợ cấp trên ở công ty vì cấp trên thường xuyên nói những lời quá đáng hoặc có hành vi đánh đập nhân viên. Tôi nên làm gì?

• Trong trường hợp này, hãy liên hệ với bộ phận tư vấn của công ty bạn. Các hành vi kể trên là hành vi “Lạm dụng quyền lực” bị luật pháp nghiêm cấm. “Lạm dụng quyền lực” là hành vi bạo lực bằng lời nói hoặc hành động quá mức cần thiết của người có vị trí công việc cao hơn đối với người có vị trí công việc thấp hơn, khiến cho người đó cảm thấy sợ hãi và không muốn đi làm.
• Nếu cấp trên của bạn thực hiện hành vi lạm dụng quyền lực đối với bạn tại công ty, hãy ghi lại chính xác thời gian, địa điểm, người thực hiện hành vi, những thiệt hại bạn phải gánh chịu, suy nghĩ của bạn trong hoàn cảnh đó. Việc phân xử hành vi bạo hành bằng lời nói thường nảy sinh tranh cãi “đã nói hay không nói”, do đó nếu có thể, hãy ghi âm hoặc quay video lại. Ngoài ra, hãy lưu lại những e-mail, thư từ có chứa từ ngữ bạo lực. Nếu bị bạo hành về thể chất, hãy chụp lại ảnh vết thương, vết bầm, v.v. trên cơ thể và gặp bác sĩ để lấy giấy chẩn đoán.
• Nếu bạn đã trao đổi với công ty nhưng tình hình vẫn không thay đổi, hãy xin ý kiến tư vấn bằng tiếng Việt từ Nghiệp đoàn Quản lý, hoặc ý kiến tư vấn bằng ngôn ngữ bản địa từ các kênh tư vấn của Tổ chức đào tạo thực tập sinh kỹ năng người nước ngoài (OTIT) trong [Danh sách kênh tư vấn].
• Nếu bị bạo hành thể xác, bạn cũng có thể liên hệ với cảnh sát để được hỗ trợ.
• Hãy nhờ người biết tiếng Nhật mà bạn có thể tin tưởng liên hệ trực tiếp với “Quầy tư vấn lao động dành cho người nước ngoài” thuộc Sở Lao động tại các tỉnh thành trên toàn quốc.

4. 10. Mặc dù đã từ chối nhưng tôi vẫn bị đồng nghiệp mời đi ăn hoặc đi chơi riêng hai người nhiều lần và bị sờ soạng cơ thể một cách không cần thiết khiến tôi cảm thấy rất khó chịu. Tôi nên làm gì?

• Những hành vi kể trên là hành vi “Quấy rối tình dục” bị pháp luật nghiêm cấm.
• Quấy rối tình dục là hành vi sử dụng lời nói hoặc hành động liên quan đến tình dục khiến bạn cảm thấy khó chịu. Các cá nhân thuộc giới tính nào cũng có thể là mục tiêu của quấy rối tình dục. Ngoài ra, hành vi hắt hủi một người tại nơi làm việc sau khi người đó yêu cầu dừng thực hiện những lời nói và hành động liên quan đến tình dục cũng được coi là quấy rối tình dục.
• Nếu tình hình không thay đổi sau khi đã nói chuyện với công ty, hãy liên hệ đến “Văn phòng bình đẳng và môi trường làm việc thuộc Sở lao động của tỉnh.
• Có thể bạn đang bị ai đó quấy rối tình dục mà không hề hay biết. Vì vậy, hãy đề cao cảnh giác với hành vi này.

Tư vấn bằng tiếng Việt

* Tổ chức đào tạo thực tập sinh kỹ năng người nước ngoài (OTIT)
Trung tâm tư vấn bằng ngôn ngữ bản địa (Trang tiếng Việt)
Tư vấn về các vấn đề mà thực tập kỹ năng có thể gặp phải khi sinh sống tại Nhật

* Tổ chức đào tạo thực tập sinh kỹ năng người nước ngoài (OTIT)
Kênh tư vấn khẩn cấp và SOS cho thực tập sinh kỹ năng
  0120-250-168 (hỗ trợ tư vấn bằng tiếng Việt)
 Thứ Hai đến thứ Sáu: 11:00 – 19:00, thứ Bảy: 9:00 – 17:00

Kênh tư vấn về bạo lực tình dục qua mạng xã hội (SNS)
“Cure time”

Thời gian hỗ trợ tư vấn bằng tiếng Việt: 17:00 – 21:00 thứ
Hai, thứ Tư, thứ Bảy

Thông tin chi tiết bằng tiếng Nhật

* Danh sách trung tâm hỗ trợ một cửa hỗ trợ các vấn đề liên quan đến tội phạm tình dục và bạo lực tình dục
Dưới đây là danh sách các kênh tư vấn liên quan đến tội phạm tình dục và bạo lực tình dục trên toàn quốc.
Ngoài ra, danh sách này còn cung cấp thông tin về việc điều trị y tế tại Khoa Phụ sản, tư vấn tâm lý, tư vấn pháp luật.

4. 11. Tôi nghe nói ở công ty có công đoàn. Khi đau ốm hoặc bị thương, tôi sẽ được công đoàn hỗ trợ những gì?

• Khi bạn mắc bệnh hoặc bị thương tật và nhận yêu cầu “buộc thôi việc vì không làm được việc” từ công ty, hãy liên hệ đến công đoàn. Họ sẽ làm việc với công ty để giải quyết vấn đề này. Ngoài ra, bộ phận này còn hỗ trợ xử lý các vấn đề về thanh toán tiền lương, người lao động có nguy cơ bị cho thôi việc hoặc là nạn nhân của hành vi lạm dụng quyền lực, quấy rối tình dục.
• Tất cả mọi người đều có thể tham gia vào công đoàn, không phân biệt quốc tịch, tôn giáo, giới tính, sự khác biệt, v.v. ho người nước ngoài” thuộc Sở Lao động tại các tỉnh thành trên toàn quốc.

Thông tin chi tiết bằng tiếng Nhật

Đây là mạng lưới gồm các cá nhân và tổ chức trên toàn quốc chuyên tiếp nhận tư vấn hàng ngày và giải quyết các vấn đề mà thực tập sinh kỹ năng thường gặp phải.

Thông tin bổ sung

Lưu ý khi chuyển mùa

Nhật Bản có bốn mùa gồm “mùa xuân”, “mùa hè”, “mùa thu”, “mùa đông”. Lưu ý rằng vào thời điểm chuyển mùa, nhiệt độ và độ ẩm có thể tăng hoặc giảm đột ngột, cơ thể bạn sẽ rất dễ bị ốm.

Mùa xuân ở Nhật Bản là mùa ấm áp và thoải mái. Là mùa nhập học, bắt đầu cuộc sống mới, nên mọi người thường nói “Mùa xuân là mùa của gặp gỡ”. Mùa này có hoạt động “Hanami”, tại đây mọi người vừa ngắm hoa anh đào vừa ăn và thưởng thức rượu.

Mùa hè ở Nhật Bản là mùa nóng nhất trong năm.
Từ tháng 6 đến giữa tháng 7 là mùa mưa. Khi vào mùa mưa, những ngày mưa kéo dài liên tục, hầu như không có ngày nắng. Sau mùa mưa, nhiệt độ tăng đột ngột và mùa hè đến thật sự. Ở nhiều vùng khác nhau ở Nhật Bản có tổ chức lễ hội mùa hè và lễ hội pháo hoa. Khi nắng nóng gay gắt, cần điều chỉnh nhiệt độ phòng bằng điều hòa, quạt gió và bù nước hợp lý.

Mùa thu ở Nhật Bản là một mùa thoải mái. Lá bạch quả, lá cây phong được nhuộm bởi màu
đỏ, màu vàng chính là điểm nổi bật của mùa này. Còn có lễ hội ngắm trăng, mọi người trang trí cỏ lau, bày bánh dango và cùng nhau ngắm trăng.

Mùa đông ở Nhật Bản là mùa lạnh giá. Từ tháng 1 đến tháng 2, có những khu vực bị đóng băng, tại các khu vực phía biển của Nhật Bản như Hokkaido, Tohoku sẽ có những ngày tuyết bao phủ. Khi trời lạnh, cần đi tất chân, mặc áo khoác, điều chỉnh trang phục phù hợp. Hãy sử dụng máy sưởi để điều hòa nhiệt độ phòng. Ngày Tết của năm sẽ rơi vào mùa đông, do vậy
mọi người sẽ chúc mừng năm mới bằng một bữa ăn sang trọng, được gọi là Osechi.Hãy chú ý giữ gìn sức khỏe vào những lúc giao mùa và bảo đảm số giờ ngủ cần thiết để duy trì sức khỏe làm việc tốt.