Bạn phải làm gì nếu mắc bệnh lây truyền qua đường tình dục hoặc mang thai khi đang làm việc tại Nhật Bản?

Chương 3 này sẽ hướng dẫn bạn về bệnh lây nhiễm qua đường tình dục, các khoa bạn cần đến khám trong trường hợp mắc bệnh, thông tin về Khoa Phụ sản và Khoa Tiết niệu.
Phần này cũng cung cấp các thông tin liên quan đến sức khỏe sinh sản dành cho sản phụ, chẳng hạn như những điều cần làm khi không muốn mang thai tại Nhật Bản, cách để sinh con hoặc dừng thai kỳ tại Nhật Bản khi mang thai ngoài ý muốn.
Ngoài ra, phần này còn đề cập đến tình dục – thứ không thể tách rời khỏi cuộc sống của chúng ta. Nếu bạn đang sinh sống tại Nhật Bản, hãy đọc phần này để biết thêm thông tin của các kênh tư vấn về các vấn đề liên quan đến tình dục, những điều bạn cần làm nếu bị quấy rối tình dục hoặc bạo hành tình dục.

3. 1. Giấy cam kết có nội dung “Nếu có thai, tôi sẽ nghỉ việc/ về nước” có phải là loại giấy cam kết phổ biến tại Nhật Bản không? Điều gì sẽ xảy ra nếu tôi không ký giấy cam kết này?

• Những giấy cam kết có nội dung như vậy bị nghiêm cấm tại Nhật Bản. Khi bị yêu cầu ký tên vào các loại giấy cam kết có các yêu cầu như “Nếu mang thai tôi sẽ nghỉ việc” hoặc “Nếu mang thai tôi sẽ về nước” trước hoặc sau khi đến Nhật Bản, hãy thẳng thắn từ chối rằng: “Tôi không muốn ký. Chắc chắn tôi không cần phải ký loại giấy tờ này”.
• Luật pháp Nhật Bản có chế độ bảo vệ phụ nữ mang thai. Thực tập sinh kỹ năng cũng được chế độ này bảo vệ.
• Bạn được phép nghỉ làm để đi khám sản phụ khoa hoặc khi cảm thấy không khỏe do mang thai.
• Nếu tình hình không thay đổi sau khi đã nói chuyện với công ty,
hãy liên hệ đến “Văn phòng bình đẳng và môi trường
làm việc thuộc Sở lao động của tỉnh”.

[Câu chuyện về các bệnh lây truyền qua đường tình dục (STDs)]

3. 2. Bộ phận sinh dục của tôi bị ngứa và đau khi đi tiểu. Tôi nên làm gì?

• Đó có thể là triệu chứng của bệnh lây truyền qua đường tình dục (Sexually Transmitted Diseases – STD). Các bệnh lây truyền qua đường tình dục phổ biến ở người trẻ tuổi gồm có nhiễm HIV, sùi mào gà sinh dục, herpes sinh dục, chlamydia và bệnh lậu. Nếu bạn cảm thấy bộ phận sinh dục của mình có điều khác thường, hãy liên hệ đến phòng khám, bệnh viện gần nơi sinh sống để tham khảo ý kiến tư vấn.
• Nếu là nam giới, hãy đến phòng khám, bệnh viện chuyên Khoa Tiết niệu, Nam Khoa , hoặc Khoa Truyền nhiễm. Nếu là nữ giới, hãy đến phòng khám, bệnh viện chuyên Khoa Phụ sản.

3. 3. Tôi nên phòng tránh các bệnh lây truyền qua đường tình dục như thế nào?

• Có thể bạn không muốn nghĩ rằng người yêu của mình mắc bệnh lây truyền qua đường tình dục, nhưng khi quan hệ tình dục, hãy luôn đeo bao cao su để không bị lây nhiễm hoặc truyền bệnh cho đối phương.
• Ngoài biện pháp sử dụng bao cao su, bạn có thể ngăn ngừa các bệnh lây truyền qua đường tình dục bằng cách không quan hệ tình dục với bất kỳ ai ngoài người bạn tình duy nhất, hoặc không quan hệ tình dục trực tiếp bằng miệng.
• Bạn có thể mắc bệnh lây truyền qua đường tình dục mà không hay biết. Vì vậy, trước khi quan hệ tình dục lần đầu, cả hai nên làm xét nghiệm các bệnh lây truyền qua đường tình dục để tránh lây bệnh cho đối phương, đồng thời cũng kịp thời điều trị bệnh nếu phát hiện bản thân mắc bệnh.
• Thuốc tránh thai chỉ có tác dụng tránh thai, do đó kể cả khi bạn uống thuốc tránh thai, bạn vẫn không thể phòng tránh các bệnh lây truyền qua đường tình dục.

Thông tin chi tiết bằng tiếng Việt

Thông tin bổ sung: Ung thư cổ tử cung và kiểm tra ung thư cổ tử cung tại Nhật Bản

• Ung thư cổ tử cung là bệnh ung thư hay gặp ở phụ nữ, phát sinh quanh vùng cửa vào tử cung (cổ tử cung).
• Nguyên nhân gây ra ung thư cổ tử cung là do vi rút Human Papilloma Virus (HPV).
• Ung thư cổ tử cung là bệnh có thể gặp ở mọi phụ nữ. Virus gây ra loại ung thư này lây truyền chủ yếu qua đường tình dục. HPV là loại virus rất phổ biến, người ta cho rằng nếu đã từng quan hệ tình dục thì ai cũng đã từng lây truyền/nhiễm virus này ít nhất một lần.
• Phải mất một thời gian dài để bạn mắc ung thư cổ tử cung sau khi nhiễm virus HPV. Virus sẽ tồn tại ở một khu vực trong cổ tử cung của bạn và dần biến khu vực đó thành ung thư. Thông thường, bạn sẽ không nhận ra sự khác biệt trước hoặc ngay sau khi bị ung thư.
• Ung thư cổ tử cung là bệnh có thể phòng ngừa được. Bạn có thể tiêm vắc-xin để ngăn ngừa virus HPV trú ngụ tại cổ tử cung. Vắc-xin này cần tiêm trước khi bạn phát sinh quan hệ tình dục lần đầu, nghĩa là phải tiêm trước khi virus xâm nhập vào cơ thể bạn. Tuy nhiên, vắc-xin không thể ngăn ngừa ung thư cổ tử cung 100%. Vì vậy, sau khi tiêm phòng, bạn vẫn cần làm xét nghiệm tầm soát
ung thư cổ tử cung định kỳ.
• Ngay cả khi bạn đã quan hệ tình dục trước khi tiêm vắc-xin, nếu thực hiện kiểm tra cổ tử cung định kỳ và phát hiện ung thư cổ tử cung từ giai đoạn sớm và điều trị đúng cách, tỉ lệ điều trị bệnh thành công (bệnh nhân sống khỏe mạnh trên 5 năm) gần như là 100%.
• Việc thực hiện kiểm tra cổ tử cung định kỳ được gọi là “tầm soát ung thư cổ tử cung”. Tại Nhật Bản, thành phố nơi bạn sinh sống sẽ thực hiện tầm soát ung thư cổ tử cung. Bạn được thăm khám miễn phí hoặc chỉ cần chi trả chi phí tầm soát rất rẻ (khoảng 500 yên). Đối tượng được thực hiện tầm soát ung thư cổ tử cung là phụ nữ từ 20 tuổi trở lên.

Thời gian và cách thức đăng ký khám tầm soát ung thư cổ tử cung sẽ do thành phố nơi bạn sinh sống quy định. Hãy liên hệ với văn phòng của chính quyền thành phố, phòng y tế, trung tâm y tế tại thành phố nơi bạn đang sinh sống để biết thêm thông tin chi tiết.

Tìm hiểu chi tiết hơn!

Giới thiệu về Khoa Phụ sản, Khoa Tiết niệu
Khoa Tiết niệu là nơi bạn có thể xin ý kiến tư vấn về mọi vấn đề liên quan đến cơ thể nam giới
Khi nào tôi nên đi khám tại Khoa Tiết niệu?
Khi có triệu chứng sau:

• Bộ phận sinh dục bị sưng tấy

• Bộ phận sinh dục bị ngứa ran 
• Xuất hiện u cục trên bộ phận sinh dục
• Chất nhờn giống như mủ chảy ra từ bộ phận sinh dục 
• Quần lót thường dính vết bẩn lạ
• Bị đau hoặc có cảm giác bất thường (buốt, nóng) khi đi tiểu
• Bị ngứa xung quanh bộ phận sinh dục v.v. 
Tại Khoa Tiết niệu, bạn sẽ được xét nghiệm nước tiểu. Ngoài ra, bạn sẽ phải trả lời các câu hỏi về việc có quan hệ tình dục qua dịch vụ mại dâm hay không, có quan hệ tình dục với ai khác ngoài bạn tình của bạn hay không và ngày giờ cụ thể. Thông tin bạn cung cấp sẽ được bác sĩ giữ bí mật. Đây là thông tin quan trọng giúp bác sĩ có thể chẩn đoán bệnh cho bạn, do đó, hãy trả lời thành thật, đừng giấu giếm thông tin. Bên cạnh đó, bác sĩ có thể sẽ kiểm tra bộ phận sinh dục của bạn. Tuy nhiên, bạn không cần phải xấu hổ mà hãy đi khám bệnh đầy đủ.

Khoa Phụ sản là nơi bạn có thể xin ý kiến tư vấn về mọi vấn đề liên quan đến cơ thể nữ giới
Khi nào tôi nên đi khám tại Khoa Phụ sản?
Khi có triệu chứng sau:

Kinh nguyệt: Bị mất kinh, chu kỳ không đều, đau bụng kinh dữ dội.
Dịch tiết âm đạo: Tăng dịch tiết âm đạo, dịch có mùi lạ, có màu.
Chảy máu bất thường: Chảy máu ngoài chu kỳ kinh nguyệt, chảy máu khi quan hệ tình dục.
Đau: Đau vùng bụng dưới ngoài chu kỳ kinh nguyệt, đau khi đi tiểu và đại tiện, đau khi quan hệ tình dục, đau lưng, cảm thấy râm ran vùng bụng dưới.
Sưng tấy: Chướng bụng, khó đi tiểu hoặc đại tiện, đi tiểu nhiều lần, cảm thấy cơ thể phù nề.
Âm hộ: Xuất hiện vật lạ, ngứa, đau quanh khu vực tiểu tiện, kinh nguyệt thất thường.
Ở lần thăm khám đầu tiên, có thể bạn sẽ phải trình bày thông tin về việc quan hệ tình dục của bản thân. Bạn không cần phải xấu hổ. Hãy trả lời đúng sự thật. Nếu bạn chưa từng quan hệ tình dục thì bác sĩ sẽ có biện pháp thăm khám bộ phận sinh dục nữ phù hợp với bạn.
Chi phí khám lần đầu tại Khoa Phụ sản là khoảng 5000 yên. Thay vì từ chối đi khám sản phụ khoa vì không có tiền, hãy đề nghị phòng khám, bệnh viện khám cho bạn với khoản tiền bạn mang theo ngày hôm đó.

Những điều sẽ được hỏi khi khám sản phụ khoa tại Nhật (Tiếng Việt)

Nếu mắc bệnh lây truyền qua đường tình dục, bạn bắt buộc phải thực hiện kiểm tra cùng bạn tình để cùng điều trị bệnh trong trường hợp cần thiết.

3. 4. Hiện tại tôi chưa muốn có con. Tôi cần làm gì?

• Nếu hiện tại bạn chưa muốn có con, hãy tránh thai bằng các biện pháp tránh thai.
• Ở Nhật có rất ít biện pháp tránh thai dành cho phụ nữ. Vì vậy, sự hợp tác của nam giới trong vấn đề này là vô cùng quan trọng. Cả hai người hãy cùng suy nghĩ cho đối phương một cách có trách nhiệm.
• Bạn không nên tin vào khái niệm “Ngày an toàn” (ngày không thụ thai kể cả khi không dùng biện pháp tránh thai). Phụ nữ còn kinh nguyệt đều có thể mang thai bất cứ lúc nào.

Biện pháp tránh nào tại Nhật? Mua ở đâu? Chi phí bao nhiêu?
Bao cao su nam Cửa hàng 100 yên, cửa hàng tiện lợi, cửa hàng thuốc.Bạn có thể mua bao cao su nam mà không cần xuất trình thẻ lưu trú, giấy tờ tùy thân. 50 – 100 yên/chiếc.Bạn có thể mua trực tuyến với giá 1.500 yên/100 chiếc (15 yên/chiếc).
Thuốc tránh thai đường uống (OC) Khoa Phụ sản.Hãy đến Khoa Phụ sản để được bác sĩ thăm khám và kê đơn thuốc. Lần đầu tiên mua thuốc tránh thai đường uống, bạn sẽ mất khoảng 10.000 yên, bao gồm cả phí thăm khám bác sĩ, xét nghiệm máu, kê đơn thuốc. Từ lần 2 trở đi, tiền thuốc mỗi tháng sẽ khoảng 2.000 – 3.000 yên. Bảo hiểm y tế sẽ không chi trả cho chi phí này.
Dụng cụ tử cung (IUS/IUD) Khoa Phụ sản.Hãy đến Khoa Phụ sản để được bác sĩ thăm khám và đặt dụng cụ tử cung. Bạn cần phải làm kiểm tra trước khi đặt dụng cụ. Ngoài ra, sau khi đặt xong, bạn vẫn cần thực hiện kiểm tra định kỳ. Khoảng 40.000 yên.Một lần đặt dụng cụ tử cung có hiệu quả trong vòng 3 – 5 năm. Bảo hiểm y tế sẽ không chi trả chi phí này. Tuy nhiên, nếu bạn bị đau bụng kinh dữ dội, bạn có thể đặt dụng cụ tử cung như một phương pháp giảm đau. Trong trường hợp này, bảo hiểm y tế sẽ hỗ trợ khoảng 12.000 yên trong tổng chi phí đặt dụng cụ tử cung của bạn.
Thuốc tránh thai khẩn cấp (72 giờ) Khoa Phụ sản.Hãy đến Khoa Phụ sản để được bác sĩ thăm khám và kê đơn thuốc. Từ 10.000 yên trở lên.Bảo hiểm y tế sẽ không chi trả chi phí này.
Tham khảo: Hướng dẫn khám, chữa bệnh tại Sản phụ khoa của Hiệp hội Sản phụ khoa Nhật Bản – Bản điều trị sản phụ khoa ngoại trú 2020

Các biện pháp tránh thai bị cấm tại Nhật Bản

Tìm hiểu chi tiết hơn

* Trang thông tin về mang thai tại Nhật Bản – Hiệp hội sinh sống cùng người nước ngoài “Về việc tránh thai”

Về việc mang thuốc vào Nhật Bản

• Khi mang thuốc đã sử dụng từ 1 tháng trở lên hoặc khi gửi thuốc từ nước ngoài vào Nhật Bản, bạn cần làm thủ tục xác nhận nhập khẩu. Việc mua bán thuốc xách tay trên mạng hoặc tặng cho bạn bè và người quen là bất hợp pháp. Vì vậy, bạn tuyệt đối không được thực hiện hành vi này.
• Thủ tục xác nhận nhập khẩu: Bạn sẽ mất khoảng 2 tuần để hoàn thành thủ tục hải quan về việc nhập khẩu dược phẩm vào Nhật Bản. Về việc nhập khẩu cá nhân các sản phẩm dược phẩm (Tiếng Nhật).

3. 5. Có thể tôi đang mang thai. Tôi nên làm gì?

• Khi bạn bị “chậm kinh”, có thể bạn đang mang thai. Khi đó, hãy nhanh chóng thử thai và đến khám tại Khoa Phụ sản.
• Tại Nhật Bản, bạn có thể mua que thử thai tại hiệu thuốc (cửa hàng thuốc) (giá khoảng 500 – 1.000 yên). Thông thường, bạn nên tự thử bằng que thử thai trước, nếu kết quả thử thai là dương tính thì bạn nên đi khám sản phụ khoa.
• Thời điểm bạn nhận ra mình mang thai thường rơi vào khoảng 5 – 6 tuần sau khi mang thai. Nếu muốn sinh con, bạn nên tìm hiểu sớm những thông tin cần lưu ý khi mang thai. Ngoài ra, hãy khai báo về việc bạn đang mang thai cho chính quyền địa phương để được hỗ trợ (Chi tiết xem tại trang 60, phần “Hộp/Thông tin chi tiết”, Mục 3.3 – Nếu sinh con tại Nhật Bản, tôi nên làm gì?).
• Nếu không thể sinh con, bạn có thể chấm dứt thai kỳ trước khi thai nhi đủ 22 tuần tuổi (21 tuần 6 ngày). Ở Nhật Bản, không có hình phạt nào dành cho phụ nữ hoặc bác sĩ thực hiện phá thai. Bạn có thể đến Khoa Phụ sản để thực hiện phá thai một cách an toàn (Chi tiết xem tại trang 61, phần “Thông tin bổ sung”, Mục 3.5
– Khi không muốn sinh con, tôi nên làm gì?).
• Khi nghi ngờ mình đang mang thai, hoặc khi có thai nhưng không biết nên làm gì, hãy xin ý kiến tư vấn ngay lập tức, không nên tự lo lắng một mình.

Tư vấn bằng tiếng Việt

Bạn có thể xin ý kiến tư vấn qua Messenger từ Facebook theo mã QR sau (Mở đầu bằng tiếng Nhật, nhưng có thể hỗ trợ tiếng Việt).

groupkumustaka@yahoo.co.jp

Hiệp hội sinh sống cùng người nước ngoài Kumustaka (Kumustaka – Association for Living Together with Migrants)

Tư vấn bằng tiếng Nhật

Danh sách kênh tư vấn SOS về mang thai trên toàn quốc dành cho người đang mang thai ngoài ý muốn

Tìm hiểu chi tiết hơn!

Về việc mang thai và sinh con tại Nhật Bản
Bạn vẫn có thể tiếp tục làm việc khi đang mang thai và có thể
sinh con tại Nhật Bản. Luật pháp Nhật Bản nghiêm cấm hành vi
buộc nữ lao động thôi việc vì lý do mang thai và sinh con. Phụ nữ làm việc trong khi mang thai và sinh con sẽ được pháp luật bảo vệ. Thực tập sinh kỹ năng người nước ngoài khi mang thai cũng được bảo vệ bởi pháp luật (Xem thêm tại trang 28-29, Sổ tay thực tập sinh kỹ năng). Hãy tham khảo ý kiến tư vấn khi gặp rắc rối về vấn đề này.

1) Tôi có thể sử dụng bảo hiểm y tế khi sinh con ở Nhật Bản không?

Về cơ bản, bạn không thể sử dụng bảo hiểm y tế khi mang thai và sinh con, tuy nhiên bạn có thể nhận tiền hỗ trợ từ chính quyền địa phương (thành phố). Sau khi biết mình mang thai, hãy nhanh chóng thông báo với văn phòng của chính quyền địa phương nơi bạn sinh sống để được nhận tiền hỗ trợ.

* Trang thông tin về mang thai tại Nhật Bản – Hiệp hội sinh sống cùng người nước ngoài “Chi phí khi mang thai, sinh con tại Nhật Bản”

2) Tư cách lưu trú của tôi sẽ thay đổi như thế nào khi tôi mang thai và sinh con tại Nhật Bản?

Khi thực tập sinh kỹ năng sinh con tại Nhật Bản hoặc Việt Nam, chương trình thực tập kỹ năng sẽ bị tạm dừng. Tuy nhiên, bạn vẫn có thể quay trở lại Nhật Bản sau khi về Việt Nam nghỉ sinh. Thực tập sinh kỹ năng đã làm mẹ vẫn có thể gia hạn hoặc thay đổi tư cách lưu trú.

* Trang thông tin về mang thai tại Nhật Bản – Hiệp hội sinh sống cùng người nước ngoài – Khi tư cách lưu trú là ‘Thực tập sinh kỹ năng’ hoặc ‘Kỹ năng đặc định’

* Ngoài ra, ở Nhật Bản còn có chính sách y tế dành cho người mang thai là người không có tư cách lưu trú.

  1. Ở Nhật Bản có chính sách hỗ trợ chi trả chi phí sinh con (toàn bộ hoặc một phần) từ chính quyền địa phương nếu bạn không có khả năng thanh toán chi phí này. Để được hỗ trợ, bạn cần nộp đơn đăng ký cho văn phòng của chính quyền thành phố nơi bạn sinh sống.
  2. Bạn sẽ được nhận Sổ tay sức khỏe bà mẹ và trẻ em.
  3. Bạn có thể được thăm khám định kỳ để kiểm tra tình trạng sức khỏe của bản thân khi đang mang thai và tình trạng sức khỏe của đứa trẻ sau khi đứa bé được sinh ra.
  4. Bạn có thể tiêm vắc-xin để phòng ngừa các bệnh truyền nhiễm theo khuyến cáo của Chính phủ. Hãy thực hiện tiêm chủng tại địa phương nơi bạn sinh sống.

Dành cho những người Nhật ở xung quanh sản phụ:

  1. Áp dụng chính sách chăm sóc y tế dành cho sản phụ không có tư cách lưu trú.
  2. Áp dụng các biện pháp tiếp nhận phụ nữ mang thai, chính sách hộ sinh nội trú (Điều 22, Luật Phúc lợi trẻ em).
  3. Phát hành Sổ tay sức khỏe bà mẹ và trẻ em, thực hiện khám định kỳ cho sản phụ trong khi mang thai và sau khi sinh (Điều 16, Luật Sức khỏe bà mẹ và trẻ em).
  4. Thực hiện tiêm chủng định kỳ cho sản phụ (Điều 5, Luật tiêm chủng).

3) Nếu sinh con tại Nhật Bản, tôi nên làm gì?

Trước tiên, hãy đến văn phòng của chính quyền thành phố nơi bạn sinh sống để khai báo về việc mang thai. Tại đây, bạn sẽ được hướng dẫn về cách thức khai báo. Sau khi khai báo, bạn sẽ nhận được Sổ tay sức khỏe bà mẹ và trẻ em. Nhân viên chăm sóc sức khỏe của văn phòng sẽ hỗ trợ bạn cho đến lúc bạn sinh thông qua cuốn sổ tay này.

* Trang thông tin về mang thai tại Nhật Bản – Hiệp hội sinh sống cùng người nước ngoài

* Quy trình sinh con và nuôi con tại Nhật Bản – Sổ tay sức khỏe bà mẹ và trẻ em – Quỹ quốc tế Kanagawa

4) Khi trở về nước để sinh con, tôi phải làm gì?

Nếu thực tập sinh kỹ năng muốn về nước để sinh con, Nghiệp đoàn Quản lý sẽ làm thủ tục với Tổ chức đào tạo thực tập sinh kỹ năng người nước ngoài trước khi thực tập sinh kỹ năng về nước. Để tiếp tục quay lại chương trình thực tập sinh kỹ năng, bạn cần được Tổ chức đào tạo thực tập sinh kỹ năng người nước ngoài phê duyệt Kế hoạch thực tập kỹ năng mới, sau đó nộp đơn lên Cục Quản lý xuất nhập cảnh để xin visa “Thực tập kỹ năng” để có thể quay trở lại Nhật Bản.

• Trang thông tin về mang thai tại Nhật Bản – Hiệp hội sinh sống cùng người nước ngoài

5) Khi không muốn sinh con, tôi nên làm gì?

• Theo luật pháp Nhật Bản, sản phụ có thể phá thai dưới 22 tuần tuổi (21 tuần 6 ngày).
• Phương pháp phá thai được luật pháp Nhật Bản cho phép là phẫu thuật. Hầu hết các trường hợp phá thai đều không cần nhập viện. Phương pháp phẫu thuật phá thai sẽ khác nhau tùy theo giai đoạn của thai kỳ (được chia ra thành giai đoạn đầu thai kỳ (dưới 12 tuần) và các giai đoạn sau đó), mức độ ảnh hưởng của phương pháp này đến cơ thể người phụ nữ cũng khác nhau. Nếu có ý định phá thai, bạn hãy đưa ra quyết định càng sớm càng tốt để giảm bớt gánh nặng cho cơ thể.
• Bảo hiểm y tế sẽ không chi trả chi phí phẫu thuật phá thai. Chi phí phẫu thuật sẽ khác nhau tùy theo mỗi phòng khám và bệnh viện. Nếu phá thai ở giai đoạn đầu thai kỳ, bạn sẽ mất khoảng 100.000 yên. Nếu phá thai ở giai đoạn giữa thai kỳ và cần nhập viện, bạn cần liên hệ với bệnh viện trước để biết chi phí nhập viện.
• Sau khi phá thai, thể chất và tinh thần của bạn có thể xuất hiện nhiều sự thay đổi.
* Thể chất: Sau khi phá thai, tình trạng chảy máu âm đạo có thể diễn ra trong một khoảng thời gian dài, chu kỳ kinh nguyệt tiếp theo có thể đến sớm hoặc muộn hơn bình thường.
*Tinh thần: Bạn có thể có cảm giác mình đã làm một việc xấu khiến bạn bị chán nản trong một thời gian dài. Ngoài ra, một số phụ nữ còn mất niềm tin vào bạn đời trong khoảng thời gian từ khi biết mình mang thai đến khi quyết định phá thai.
• Những thay đổi này là điều bình thường và có thể xảy ra với bất kỳ ai. Nếu bạn cảm thấy lo lắng, hãy tham khảo ý kiến của bác sĩ tại Khoa Sản phụ hoặc những nơi chuyên tư vấn tâm lý.
• Việc uống thuốc phá thai được gửi từ quê nhà sang Nhật, hoặc thuốc tự xách tay qua Nhật sẽ bị xử phạt theo quy định của pháp luật Nhật Bản.
Ngoài ra, việc dùng thuốc phá thai khi chưa được bác sĩ thăm khám và kê đơn là vô cùng nguy hiểm.
• Nếu gặp bất kỳ vấn đề hay khó khăn nào, hãy xin ý kiến tư vấn ngay lập tức.

Lời nhắn nhủ đến các bạn nam giới
Nếu bạn nói chuyện với người yêu/vợ mình và cả hai bạn lựa chọn phá thai, hãy cùng cô ấy vượt qua việc này

* Trang thông tin về mang thai tại Nhật Bản – Hiệp hội sinh sống cùng người nước ngoài

6) Tôi buộc phải sinh con do đã bỏ lỡ giai đoạn cho phép phá thai. Nhưng tôi không có khả năng nuôi dạy con sau khi sinh. Tôi nên làm gì?

Hãy tham khảo ý kiến tư vấn ngay lập tức. Nếu bạn không xin ý kiến tư vấn của bác sĩ mà tự mình sinh con và con bị mất sau sinh, bạn có thể sẽ bị xử phạt theo quy định của pháp luật Nhật Bản. Khi biết mình có thai, hãy xin ý kiến tư vấn của bác sĩ trong mọi trường hợp.

* Trang thông tin về mang thai tại Nhật Bản – Hiệp hội sinh sống cùng người nước ngoài

Tư vấn bằng tiếng Việt

3. 6. Tôi đã bị tấn công tình dục (hiếp dâm). Tôi nên làm gì?

• “Hiếp dâm” và “Quấy rối tình dục” là hành vi phạm tội theo quy định của luật pháp Nhật Bản.
• Bạn có quyền quyết định mình sẽ quan hệ tình dục với ai, khi nào, ở đâu và như thế nào. Hành vi ép buộc đối phương quan hệ tình dục khi họ không mong muốn là bạo lực tình dục.
• Bất kỳ ai cũng có thể là nạn nhân của bạo lực tình dục, không phân biệt tuổi tác, giới tính.
• Chủ thể thực hiện hành vi này cũng có thể là những người thân thiết với bạn như vợ chồng, người yêu (Xem Câu hỏi 3.7 ở trang 66).
• Tội phạm tình dục và bạo lực tình dục là hành vi không thể dung thứ.
• Khi gặp phải vấn đề này, đừng lo lắng và bất an một mình, trước tiên hãy tham khảo ý kiến tư vấn từ người khác.

Tư vấn bằng tiếng Việt

* Kênh tư vấn về bạo lực tình dục qua mạng xã hội (SNS) 
“Cure time”

Thời gian hỗ trợ tư vấn bằng tiếng Việt:
17:00 – 21:00 thứ Hai, thứ Tư, thứ Bảy

Thông tin chi tiết bằng tiếng Nhật

3. 7. Tôi bị người yêu bạo hành. Tôi nên làm gì?

• DV* (bạo lực từ người có quan hệ yêu đương hoặc đã từng có quan hệ yêu đương), là hành vi không thể dung thứ.
• Ở Nhật Bản có luật bảo vệ người bị bạn tình bạo hành, được gọi là “Luật phòng chống DV”**. Luật này được áp dụng cho cả người nước ngoài đang sinh sống tại Nhật Bản.
• Hầu hết trong các trường hợp bị bạo hành, nạn nhân khó có thể tự mình giải quyết vấn đề, do đó hãy nhanh chóng xin ý kiến tư vấn từ người khác.
*Domestic Violence (DV): Bạo lực gia đình
*Luật phòng chống DV: Luật liên quan đến việc ngăn chặn bạo lực từ vợ hoặc chồng và bảo vệ nạn nhân

Thông tin chi tiết bằng tiếng Nhật