Khi rời khỏi Việt Nam và bắt đầu cuộc sống mới tại Nhật Bản, sự thay đổi về ngôn ngữ, văn hóa, phong tục tập quán và con người xung quanh có thể khiến bạn dễ mệt mỏi về tinh thần và thể chất.
Nếu trình độ tiếng Nhật của bạn chưa được tốt, hoặc bạn cảm thấy cô đơn khi xa gia đình và bạn bè, hoặc nếu bạn luôn cảm thấy công việc quá vất vả, thì tinh thần của bạn sẽ trở nên xuống dốc và bạn sẽ dễ mắc bệnh.
Ai cũng có thể mắc phải các vấn đề về sức khỏe tinh thần. Giống như bệnh thể chất, nếu bạn cảm thấy sức khỏe tinh thần của mình “có điều bất thường”, hãy nhanh chóng tham khảo ý kiến tư vấn của chuyên gia.
Phần 5 này sẽ cung cấp thông tin về những điều bạn nên làm để đảm bảo sức khỏe tinh thần và thể chất cho bản thân, những triệu chứng bạn có thể gặp phải và những nơi bạn có thể tham khảo ý kiến khi mắc bệnh về tinh thần.

5. 1. Tôi không thể quen với cuộc sống ở Nhật Bản và không thể theo kịp các đồng nghiệp khác tại công ty nên mỗi ngày tôi đều cảm thấy bất an.

• Khi di cư sang nước ngoài thì ngôn ngữ, văn hóa, phong tục tập quán và những người xung quanh bạn sẽ thay đổi, khiến bạn dễ dàng bị mệt mỏi về tinh thần. Hiện tượng này được gọi là “sốc văn hóa” và nó có thể xảy ra với tất cả mọi người.
• Nếu bạn nói tiếng Nhật không tốt, hoặc cảm thấy cô đơn khi phải xa gia đình và bạn bè, hoặc luôn cảm thấy công việc quá vất vả, tinh thần của bạn sẽ bị mệt mỏi, từ đó sinh ra bệnh tật.
• Trong trường hợp này, hãy chia sẻ những chuyện buồn phiền, mệt mỏi với những người bạn đồng hương ở quanh mình. Ngoài ra, hãy kết bạn với đồng nghiệp cùng công ty và người Nhật ở xung quanh bạn. Việc tiếp xúc với văn hóa Nhật Bản có thể giúp bạn làm quen với cuộc sống tại đất nước này nhanh hơn.

Tìm hiểu chi tiết hơn

Trang chủ JITCO “Sức khỏe tâm thần – Mọi người vui cười”
(Bản tiếng Việt)

5. 2. Triệu chứng nào sẽ xuất hiện khi thể chất và tâm thần/ tinh thần của tôi mệt mỏi?

Khi bị mệt mỏi về tinh thần và thể chất, bạn có thể sẽ gặp phải những triệu chứng được gọi là “phản ứng căng thẳng” sau đây:
Thể chất: Đau đầu, đau bụng, chán ăn, táo bón hoặc tiêu chảy, mất ngủ.
Tinh thần: Cảm thấy chán nản, không có động lực, dễ cáu gắt
Hành vi: Ăn quá nhiều, uống rượu quá nhiều, mua sắm quá nhiều, trễ giờ
Nhận thức: Chỉ nghĩ đến những điều tồi tệ, coi mọi người xung quanh như kẻ thù, cảm thấy bị quấy rối.
Nếu tình trạng này kéo dài thì bạn có thể sẽ đổ bệnh. Vì vậy, bạn cần nhận biết sớm các phản ứng căng thẳng, để cơ thể nghỉ ngơi, ngủ đủ giấc và trò chuyện cùng ai đó để giảm thiểu nguy cơ mắc bệnh.

Tìm hiểu chi tiết hơn

5. 3. Nếu xuất hiện các triệu chứng bệnh do căng thẳng, tôi nên làm gì?

Các triệu chứng mệt mỏi có thể giảm bớt khi bạn dùng thuốc. Ví dụ, khi bị mất ngủ, cơ thể không được nghỉ ngơi, làm việc không tập trung, bạn có thể dùng thuốc ngủ để cải thiện chất lượng giấc ngủ, thể trạng
và khả năng tập trung. Tuy nhiên trước tiên, hãy đến khám tại Khoa Tâm thần, Khoa Điều trị tâm lý để được tư vấn bởi chuyên gia (Xem câu hỏi 5.8).

5. 4. Khi các triệu chứng như tâm trạng chán nản, không có động lực, không thể thức dậy vào buổi sáng, mất ngủ, chán ăn kéo dài liên tục, tôi nên làm gì?

• Nếu không thể kiểm soát được cảm xúc và hành vi của bản thân, có thể bạn đã mắc bệnh trầm cảm. Hãy đến khám tại Khoa Điều trị tâm lý, Khoa Tâm thần để được tư vấn bởi chuyên gia (Xem câu hỏi 5.8).
• Nếu bị trầm cảm, bạn có thể xuất hiện các triệu chứng như đau đầu, khó chịu, buồn nôn, đau ngực, tê bì chân tay. Lúc này, bạn cần uống thuốc và nghỉ ngơi.

5. 5. Tôi có cảm giác muốn tự tử. Tôi nên làm gì?

• Cảm giác muốn tự tử dễ xuất hiện khi bạn rơi vào trạng thái trầm cảm (bệnh trầm cảm). Trước tiên, hãy tâm sự với người mà bạn có thể tin tưởng và cùng nhau tới khám tại Khoa Điều trị tâm lý, Khoa Tâm thần (Xem câu hỏi 5.8).
• Nếu ý muốn tự tử của bạn quá lớn, bạn có thể cần nhập viện. Khi bạn không có ai để tâm sự, hãy tham khảo ý kiến tư vấn bằng tiếng Việt tại các kênh tư vấn trong [Danh sách kênh tư vấn].

5. 6. Đột nhiên, tôi cảm thấy sợ những người xung quanh và có cảm giác mình bị nói xấu. Tôi thường nghe thấy giọng nói lạ vang vọng xung quanh. Tôi nên làm gì?

• Nếu bạn cảm thấy có ai đó đang nói xấu mình, hay nghe thấy tiếng nói chuyện hoặc âm thanh lạ mặc dù không có ai ở quanh bạn, đó có thể là triệu chứng của chứng “hoang tưởng bị hại”. Triệu chứng này thường xuất hiện khi tinh thần và thể chất của bạn mệt mỏi.
• Nếu các triệu chứng này lặp đi lặp lại liên tục, bạn có thể đã mắc tâm bệnh. Hãy đến khám tại Khoa Điều trị tâm lý, Khoa Tâm thần để được chuyên gia tư vấn (Xem câu hỏi 5.8).

5. 7. Đồng nghiệp của tôi có những hành động và lời nói khác lạ. Tôi đã khuyên đồng nghiệp nên đi khám tại Khoa Tâm thần nhưng đồng nghiệp phản hồi là không thích đi khám. Tôi nên làm gì?

• Trước tiên, hãy trò chuyện với người mà bạn có thể tin tưởng ở xung quanh, chẳng hạn như người phụ trách tư vấn ở công ty. Ngoài ra, hãy thử nhờ người biết tiếng Nhật xem phần [Thông tin chi tiết] bằng tiếng Nhật để tìm kiếm kênh tư vấn gần nơi bạn sinh sống. Khi chưa biết phải xử lý như thế nào, hãy xin ý kiến tư vấn bằng tiếng Việt từ các kênh tư vấn tại [Danh sách kênh tư vấn].
• Ngoài ra, hãy gọi cảnh sát nếu đồng nghiệp của bạn có khả năng tự tử, bị kích động, phá hủy đồ đạc hoặc làm người khác bị thương. Về việc thăm khám tại Khoa Điều trị tâm lý, Khoa Tâm thần (Xem câu hỏi 5.8).

Thông tin bổ sung

Sức khỏe tinh thần của bạn hiện tại như thế nào?

Hãy thử trả lời 15 câu hỏi dưới đây tính xem bạn có bao nhiêu câu trả lời là “Có”

1 Bạn có bị khó vào giấc ngủ, dễ bị tỉnh giấc khi ngủ, hoặc cảm thấy khó thức dậy sau khi ngủ một giấc dài không?
2 Khoa Phụ sản.Hãy đến Khoa Phụ sản để được bác sĩ thăm khám và kê đơn thuốc.
3 Bạn có cảm thấy mệt mỏi, không có tinh thần mà không có lý do nào không?
4 Bạn có cảm thấy không muốn ăn gì, hoặc không thể ngừng ăn, hoặc uống quá nhiều rượu không?
5 Bạn có cảm thấy đau đầu, buồn nôn hoặc chóng mặt không?
6 Bạn có cảm thấy khó tập trung, không thể tập trung vào những thứ trước mắt, hoặc thấy mình đang suy nghĩ về điều khác lúc nào không hay không?
7 Bạn có bị mất kiên nhẫn hoặc dễ cáu kỉnh không?
8 Bạn có cảm thấy như mình đang đứng một mình và tách biệt khỏi mọi người tại nơi làm việc và những người xung quanh, cảm thấy cô đơn vì không có bạn bè, hoặc cảm thấy không có ai giúp đỡ mình không?
9 Bạn có cảm thấy căng thẳng, bất an, lo lắng, hoặc tự cảm thấy khó khăn với chính bản thân mình không?
10 Bạn có thấy tim đập nhanh hoặc khó thở không?
11 Bạn có muốn chết hoặc có ý định tự tử không?
12 Bạn có từng tự trách mình, cho rằng “Mình là người không có giá trị”, “Mình đã làm gia đình thất vọng” không?
13 Bạn có thấy cảm thấy sợ người xung quanh hơn trước đây, cảm giác như họ có thể làm gì đó với mình không?
14 Bạn có bị giật mình vì một tiếng động rất nhỏ, hoặc nghe thấy có giọng nói từ đâu đó không?
15 Bạn có thấy bản thân hoạt bát hơn, nói nhiều hơn hoặc mua sắm nhiều hơn trước không?

Số câu trả lời “Có”: ……/15

Thông tin bổ sung

Chỉ cần có một câu trả lời “Có”… Bạn bắt đầu cảm thấy mệt mỏi về tinh thần và thể chất. Hãy thử các cách sau để giúp bạn cảm thấy dễ chịu hơn, ngủ ngon hơn, tinh thần và thể chất thoải mái hơn:

• Vận động nhẹ nhàng giữa giờ làm việc.
• Vận động ở mức vừa đủ với bản thân.
• Chia sẻ cảm xúc hiện tại với những người bạn đồng hương,
những người khiến bạn cảm thấy bình tâm khi ở cùng.
• Trò chuyện trực tuyến với gia đình và bạn bè tại Việt Nam.
• Nghe những bài hát, đọc những cuốn sách mà bạn yêu thích.
• Đến những nơi giúp bạn có thể hòa mình vào thiên nhiên. Thử cảm nhận
sự thay đổi của thiên nhiên qua các mùa xuân, hạ, thu, đông.
• Kết thúc bữa tối khoảng 2 giờ trước khi đi ngủ.
• Không lướt điện thoại thông minh khoảng 1 giờ trước khi đi ngủ.
• Thư giãn bằng bồn tắm muộn nhất 1 giờ trước khi đi ngủ.
• Cố gắng thức dậy cùng một thời điểm mỗi sáng.
• Khi thức dậy vào buổi sáng, trước tiên hãy mở rèm và cửa sổ. Nếu phòng thiếu sáng thì hãy bật điện. Nếu có thể, hãy ra ngoài tắm nắng.
• Uống rượu bia sẽ khiến bạn ngủ không sâu giấc và mệt mỏi hơn. Hãy cố gắng tránh phụ thuộc vào rượu bia và thuốc lá.
Nguồn: Cải biên từ Sức khỏe tinh thần – Mẹo nâng cao nhận thức

Nếu đã thử các phương pháp trên mà bạn vẫn không thể làm giảm số lượng câu trả lời “Có”, hãy đến gặp chuyên gia tâm lý để được khám, chữa bệnh
(Xem câu hỏi 5.8).
Nếu bạn có từ 3 câu trả lời “Có” trở lên…
Nghĩa là tinh thần của bạn đang rất mệt mỏi.
Hãy đến phòng khám, bệnh viện để được các chuyên gia tâm lý, bác sĩ tại Khoa Điều trị tâm lý, Khoa Tâm thần thăm khám.
Có thể bác sĩ sẽ kê đơn thuốc cho bạn.

5. 8. Tôi muốn xin ý kiến tư vấn của chuyên gia tâm lý. Tôi cần phải đến đâu?

• Trước tiên, hãy hỏi bộ phận tư vấn của công ty bạn xem gần công ty có Khoa Tâm thần/Khoa Điều trị tâm lý nào uy tín không. Sau đó, hãy nhờ họ đặt lịch hẹn khám giúp. Ngoài ra, bạn cũng có thể liên lạc với các kênh tư vấn ở Việt Nam.
• Nếu gần công ty bạn không có Khoa Tâm thần/Khoa Điều trị tâm lý, hoặc có nhưng công ty hoặc bạn không thể đặt lịch hẹn, hãy đến phòng khám hoặc bệnh viện mà bạn đã từng đến để xin ý kiến tư vấn của bác sĩ tại đó. Phòng khám, bệnh viện sẽ giới thiệu chuyên gia tư vấn tâm lý cho bạn.
• Ngoài ra, mỗi tỉnh thành đều có “Trung tâm phúc lợi và sức khỏe tâm thần”. Tại đây có bộ phận tư vấn về sức khỏe tinh thần do nhân viên chuyên nghiệp phục vụ (miễn phí). Hãy nhờ người biết tiếng Nhật giúp bạn tìm hiểu thêm thông tin tại [Thông tin chi tiết bằng tiếng Nhật]
• Nếu xung quanh bạn không có người biết tiếng Nhật để giúp đỡ bạn, hãy xin ý kiến tư vấn bằng tiếng Việt từ các kênh tư vấn tại [Danh sách kênh tư vấn]

Thông tin chi tiết bằng tiếng Việt

Thông tin chi tiết bằng tiếng Nhật

Đầu mối thông tin về Cơ sở y tế cấp cứu chuyên khoa tâm thần làm việc 24/7
Trên đây là danh sách đầu mối liên lạc hỗ trợ cung cấp thông tin về các Cơ sở y tế cấp cứu chuyên khoa tâm thần có thể thăm khám 24/7.

5. 9. Chi phí thăm khám với chuyên gia tâm lý là bao nhiêu?

• Chi phí thăm khám với chuyên gia tâm lý cũng tương đương với chi phí khi bạn đến khám tại bệnh viện khi bị đau ốm (Xem câu hỏi 1.1).
• Khi đến gặp chuyên gia tâm lý, nếu được yêu cầu phải thăm khám trong thời gian dài, bạn có thể làm thủ tục giảm chi phí cho mỗi lần thăm khám. Chế độ này được gọi là “Chăm sóc y tế hỗ trợ độc lập (Chăm sóc y tế tâm thần ngoại trú)”. Hãy đến văn phòng của chính quyền địa phương để được người phụ trách hướng dẫn về thủ tục xin giảm chi phí điều trị.

5. 10. Tôi được bạn bè rủ rê dùng ma túy (chất kích thích, cần sa, v.v.). Tôi muốn thử dùng một lần thì liệu có nguy hiểm không?

• Các loại ma túy như chất kích thích và cần sa sẽ gây ảnh hưởng xấu đến cả tinh thần và thể chất của bạn. Ngoài ra, bạn sẽ khiến những người xung quanh lo lắng cho mình. Có rất nhiều người thử sử dụng ma túy chỉ vì một chút tò mò nhưng sau đó lại bị nghiện và không thể dừng lại. Khi được rủ rê dùng ma túy, chỉ cần bạn có một chút lưỡng lự thì sau này bạn sẽ lại bị gạ gẫm. Vì vậy, khi người khác rủ rê bạn sử dụng ma túy, hãy từ chối thẳng thừng. Nếu bạn gặp khó khăn trong việc từ chối, hãy rời khỏi nơi đó. Việc rời/bỏ đi trong trường hợp này cũng là một hành động bản lĩnh.
• Hành vi sử dụng các loại ma túy như chất kích thích và cần sa sẽ bị xử phạt nghiêm khắc theo quy định của pháp luật Nhật Bản. Hầu hết những người sử dụng ma túy đều bị buộc thôi việc. Bản thân bạn sẽ rất khó có thể từ chối sử dụng ma túy thẳng thừng cũng như cố gắng ngừng sử dụng nó. Vì vậy, nếu bạn do dự khi bị mời rủ, hoặc đã trót sử dụng ma túy, hãy xin ý kiến tư vấn ngay lập tức.

5. 11. Tôi thích uống rượu. Liệu tôi có thể uống một chút rượu trước khi lái xe hoặc trước khi làm việc nếu không để ai phát hiện ra không?

• Bạn không được uống rượu trước hoặc trong khi làm việc vì điều này rất nguy hiểm cho bản thân bạn và những người xung quanh, chẳng hạn như bạn có thể vận hành máy móc sai vì đầu óc không tỉnh táo. Ngoài ra, khi say rượu bạn có thể sẽ nói ra những lời mà bình thường bạn không dám nói khiến cho những người xung quanh bạn cảm thấy khó chịu và bản thân bạn cũng gặp rắc rối về sau.
• Ở Nhật Bản, luật pháp nghiêm cấm người dưới 20 tuổi uống mọi đồ uống có chứa cồn. Ngoài ra, nếu bạn uống thức uống có một chút cồn, bạn cũng không được phép vận hành bất kỳ một loại máy móc nào. Ngay cả việc lái xe đạp khi đã uống đồ uống có cồn cũng là hành vi vi phạm pháp luật tại đây.
• Luật pháp cũng nghiêm cấm hành vi cho người đã uống đồ uống chứa cồn mượn ô tô, ép người khác uống đồ uống có cồn mặc dù biết họ lái xe, ngồi lên xe được lái bởi người đã uống đồ uống có cồn. Nếu lái xe sau khi đã uống đồ uống có cồn, bạn có thể bị thu hồi bằng lái và bị buộc thôi việc.
• Ngoài ra, uống quá nhiều rượu có ảnh hưởng xấu đến cả thể chất và tinh thần của bạn. Vì vậy, hãy sử dụng rượu bia đúng cách.